Năm 2003 – Những Bài Học Đầu Đời
Cũng như bao người, năm đầu tiên của tôi tại Úc là năm khó khăn nhất – từ ngôn ngữ, sinh hoạt, thời tiết đến khẩu vị. Trong đó, cái khó nhất là vấn đề ngôn ngữ. Đối với tôi, người thi IELTS chưa tới 4.0 vào cuối năm học cấp 2, thì 30 tuần học tiếng anh lúc mới qua thật như muối bỏ biển. Tôi không hiểu người bản địa nói gì và họ cũng chẳng hiểu ý tôi ra sao. Chưa kể dân Úc có giọng phát âm khác với giọng Anh và Mỹ mà các chương trình anh văn Việt Nam thường dạy, cộng với có quá nhiều tiếng địa phương (tiếng lóng) mà tôi chưa từng nghe qua, cho nên đi ra đường mà cứ cảm giác như bị câm và điếc.
Với các bạn học chung khóa Anh Văn đến từ các nước
Điều kiện sinh hoạt thì cũng khác xa ở nhà. Ở nhà thì ở phòng ốc rộng rãi ở không hết, lại chẳng phải động tay vào làm bất cứ việc gì – chỉ biết ăn, học, chơi và ngủ, qua đây thì lại quá khác – ở nhà chung cư cũ kỹ, một phòng nhỏ xíu mà ở ghép 2-3 người, đến phải tự tay làm những chuyện từ lớn đến nhỏ – từ tự dọn dẹp phòng ốc, toilet, đến tập vô bếp nấu ăn vì ăn bên ngoài quá đắt đỏ ( Từ $8 AUD trở lên mỗi phần). Cho nên nếu không lăn vào bếp thì chịu đói thôi.
Sau 9 tháng qua Úc – năm vừa tròn 16 tuổi, tôi được một người anh ở cùng nhà giới thiệu cho một công việc rửa chén ở một nhà hàng Ý tên là Limoncello ở khu nhà giàu Double Bay ở Sydney, cách nhà tầm 30 – 40 phút xe lửa. Tôi mừng hết lớn các bạn ạ. Đối với tôi, đây là công việc thật sự đáng mơ ước vì nó giúp cho tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng chính mồ hôi nước mắt của mình và tự phụ giúp chi phí cho bố mẹ một phần nào. Tiền lương tôi được trả lúc đó là $50 đô Úc cho 6 tiếng làm việc – từ 17:00 đến 23:00.
Công việc của tôi như chính tên của nó, đó là rửa tất cả các loại chén bát, xong chảo, nồi niêu mà các đầu bếp (Chef) đã sử dụng, cộng với làm các công việc không tên khác như lau nhà, đổ rác, dọn dẹp. Đôi khi đông khách quá mà rửa chảo không kịp, thì lại nghe các Chef mắng xối xả. Nhưng tôi chấp nhận và cứ cắm cúi cố gắng làm, tự nhủ với lòng mình là cố gắng làm nhanh hơn thì không ai có thể la mình được. Rồi từ từ tôi làm cũng nhanh hơn, biết cách làm việc hiệu quả và thông minh hơn. Ví dụ như để chà những cái chảo cứng đầu, thì tôi ngâm qua nước sôi trước một thời gian, rồi chà sẽ ra ngay thay vì cứ hì hục dùng sức chà hoài mà chẳng ra như thời gian mới vào nghề… Tuy nhiên, bàn tay tôi rồi cũng cùng chung số phận với những bạn rửa chén đồng nghiệp khác – do luôn tiếp xúc với nước và chất tẩy rửa nên tay tôi lúc nào cũng ở trong tình trạng bị bong da và khô rát, và càng khó chịu hơn nữa khi mùa đông Sydney đến…
Tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng tôi đã không bỏ cuộc. Tôi cố gắng hết sức với quan niệm rằng, chỉ cần mình cố gắng hết sức thì trời sẽ không phụ mình đâu. Có thể tiếng anh của mình không bằng người bản địa, nhưng mình chắc chắn sẽ siêng hơn và làm tốt hơn những người bản địa làm cùng công việc như mình. Chỉ có như vậy mình mới hi vọng có tương lai tốt đẹp hơn.
Và rồi, sự cố gắng của tôi đã được đền đáp. Tuy nhỏ thôi, nhưng làm tôi vui suốt. Bếp trưởng nhà hàng cho tôi cơ hội vừa rửa chén vừa phụ giúp các chef làm các món salad (bên Úc gọi là salad hand) khi nhà hàng đông khách. Đây là lúc tôi được học cách làm món Tây đầu tiên trong cuộc đời mình. Đó là món salad kiểu Ý Bocconcini & Tomato Salad with Basil Pesto – Sà lách phô mai Bocconcini và cà chua, được trộn với nước sốt pesto làm từ lá Basilica (một dạng rau thơm của Ý, có mùi hơi giống mùi của lá quế ăn phở).
Món sà lách phô mai Bocconcini và cà chua
Đây cũng là lần đầu tiên tôi được ăn thử phô mai Bocconcini làm từ sữa trâu và thật sự rất là khó ăn các bạn ạ. Ít nhất là đối với tôi , một người Việt Nam chính gốc chuyên trị những món mắm – mắm nhĩ, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, nói chung là tất cả các loại mắm. Vào thời điểm đó, những món phô mai này thật lạ lẫm và khó ăn, cái đó là chưa kể món phô mai Parmesan hay là Blue Cheese nữa. Cái mùi thum thủm thật kinh dị. Nhưng tôi nghĩ mình ăn phô mai thì chắc cũng giống như Tây ăn mắm nêm thôi, mới đầu ăn không được nhưng khi ăn được thì lại ghiền. Cho nên cứ nín thở ăn đại, vì muốn làm đầu bếp giỏi thì phải nếm thử và ăn được tất cả mọi thứ. Nghề đầu bếp cũng có vẻ hay hay…
_________________________________________________________________________
Long Phan’s Blog – “Du học đâu chỉ có màu hồng”
Disclaimer:
Những bài viết trên blog đều dựa trên những kinh nghiệm đi du học thực tế tại Úc của cá nhân tác giả trước khi được định cư. Do luật di trú mỗi nước mỗi khác, nên quý bạn đọc muốn đi du học tại các nước khác Úc nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác để có định hướng du học đúng đắn nhất.
Các ý kiến phản hồi về bài viết xin gửi về:
Facebook: http://www.facebook.com/long.phan.au
Email: [email protected]
“The only limits to the possibilities in your life tomorrow are the buts you use today.”– Les Brown