Nghề đầu bếp – Một kỹ năng lớn
Sau hai năm làm việc trong bếp, tôi đã học được rất nhiều kỹ năng bổ ích và rút ra được nhiều bài học lớn cho bản thân mình.
Tôi đã học được cách sắp xếp và chuẩn bị kỹ càng cho tất cả mọi việc trong cuộc sống – từ việc học tập, đi làm cho đến những kế hoạch đi chơi. Kỹ năng này tôi rút ra được từ những lần khách đến quá đông, do thiếu sự chuẩn bị kỹ từ trước (thức ăn không đủ, hay những dụng cụ nấu ăn chưa được chuẩn bị sẵn sàng) nên dẫn đến việc thức ăn làm ra chậm, bị khách hàng than phiền, và dĩ nhiên tôi đã bị sếp la một trận ra trò.
Sau lần đó, tôi tự hứa với lòng mình là phải luôn luôn có một sự chuẩn bị tốt nhất, vì chỉ có như vậy, mình mới luôn sẵn sàng để đối phó với những trường hợp bất ngờ khi nó xảy ra. Và cuộc sống thì có bao giờ thiếu những bất ngờ đâu!!
Kitchen Mise En Place!!! Mọi nguyên liệu được chuẩn bị sẵn sàng trước giờ mở cửa.
Hình ảnh minh hoạ (nguồn: http://theculinarycook.com)
Tôi cũng học được cách làm việc nhanh chóng, gọn gàng, hiệu quả dưới sức ép thời gian. Kỹ năng này thì chỉ có làm càng nhiều thì càng giỏi mà thôi. Và môi trường để học thì không nơi nào tốt nhất bằng… ở trong bếp của một nhà hàng vào tối thứ sáu hay thứ bảy, khi bạn có một hàng dài 10 – 20 food order dockets trước mặt mình và được in ra liên tục – chưa làm xong cái này thì cái khác đã vào đến.
Do thời gian khách chờ thức ăn chỉ có hạn (không quá 15 phút cho món khai vị và 30 phút cho món chính – theo tiêu chuẩn khách sạn năm sao), bạn bắt buộc phải cố gắng và tìm mọi cách để hoàn thành những món ăn một cách nhanh nhất có thể. Đồng thời, cần phải luôn quan sát và liên tục liên lạc với những bộ phận nhỏ khác trong bếp để làm sao tất cả món ăn dọn ra đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất, dù trong nhà hàng lúc đó có đông khách đến mức nào đi chăng nữa.
Nếu không làm được điều này, thì nhà hàng tất nhiên sẽ mất khách quen vì không ai muốn ăn một món ăn lúc thì ngon, lúc thì dở bao giờ. Tiêu chuẩn chất lượng món ăn của một nhà hàng được đánh giá tốt khi khách quay lại ăn một món hàng trăm lần, và lần nào cũng ngon và giống y như lần đầu. Chỉ như vậy mới được gọi là một món ăn thành công!
Kỹ năng sống và phong cách làm việc nhanh chóng, gọn gàng, hiệu quả được trui rèn
trong những đêm thứ sáu, thứ bảy cực kỳ đông khách ấy…
Hình ảnh minh hoạ (nguồn: http://cdn.firstwefeast.com)
Nỗi vất vả và lòng yêu nghề…
Nghề bếp không phải dễ và cũng lắm gian truân. Bạn đa phần phải làm việc trong tư thế đứng trong thời gian dài khi mới bắt đầu vào nghề, cho đến khi bạn đạt được vị trí nhất định trong bếp (bếp phó hoặc bếp trưởng).
Trong những khách sạn và nhà hàng lớn, mặc dù bếp phó hoặc bếp trưởng có trực tiếp đứng làm và quản lý khi đông khách, họ cũng dành phần lớn thời gian lên các kế hoạch, thiết kế thực đơn và điều hành công việc từ văn phòng. Đồng thời, nghề này cũng đòi hỏi bạn có một sức khoẻ khá tốt để hoàn thành công việc của mình.
Tuy nhiên, mặt tích cực của nghề bếp thì cũng lại rất nhiều.
Thứ nhất, đó là bạn không cần phải quá giỏi về tiếng anh để có thể vào nghề (giống như tôi lúc đó), chủ yếu là bạn phải thật sự siêng năng và chăm chỉ. Nếu bạn siêng năng, luôn luôn tìm việc gì đó làm khi vắng khách chứ không chỉ đứng chơi không, những cơ hội tốt đẹp hơn sẽ đến với bạn.
Thứ hai, vì bạn phải liên tục nghe và trao đổi bằng tiếng anh trong bếp, khả năng nghe nói tiếng Anh của bạn sẽ tăng lên rất nhanh.
Thứ ba, ban học được một kỹ năng thật sự hữu ích cho cuộc sống của mình, dù bạn có sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này…
…Đó là tôi không bao giờ sợ đói!!! Tôi có thể tự đi chợ và tự nấu cho mình và người thân những bữa ăn chất lượng theo tiêu chuẩn năm sao, trong khi giá tiền thì chỉ bằng một phần năm. Hay khi có những buổi bạn bè hội họp, thì lại trổ tài làm một món gì đó nhâm nhi, thật thú vị lắm chứ. Hay bạn có thể thoả sức sáng tạo để tạo ra những món ăn thật độc đáo mà chỉ có bản thân mình có công thức.
Cũng nhờ nghề bếp, tôi có cơ hội được nếm qua những món ăn và nguyên liệu cao cấp mà trong đời chưa bao giờ được thử, nào là trứng cá hồi Caviar, thịt muối phơi khô Prosciutto di Parma của Ý, đến những loại gia vị đáng giá hàng nghìn đô mỗi kilogram như Saffron của Tây Ban Nha – thường được sử dụng trong món quốc hồn quốc tuý của Tây Ban Nha là món cơm Paella.
Món cơm Paella của Tây Ban Nha
Hình ảnh minh hoạ (nguồn: http://theweekendedition.com.au/food-drink/paella/)
Sau hai năm làm việc trong bếp, tôi thấy rất thích thú với những gì mình đã được học và trải nghiệm qua. Tôi cảm thấy mình đã lớn hơn xưa rất nhiều, trong cuộc sống lẫn chuyên môn. Tôi biết được thêm rất nhiều nền văn hoá của các dân tộc và quốc gia trên thế giới qua các món ăn và nền ẩm thực của họ.
Hình ảnh minh hoạ (nguồn: http://life-in-the-lofthouse.com/crock-pot-shredded-beef-tacos/)