Sau những tất nập bộn bề của cuộc sống, khi đứng yên nhìn lại những gì đã đạt được tại nước Úc, tôi lại cảm thấy mình may mắn.
May mắn là tại vì tôi đã có được một cuộc sống ổn định sau hơn 10 năm bôn ba nơi xứ người. Có thể tôi không giàu với mức thu nhập thuộc dạng trung bình của mình (trong nhóm 46.3% dân Úc có thu nhập từ $31,200 – $78,000 – theo cục thống kê Úc 2010 – 2011), nhưng tôi có một cuộc sống vô lo. Cuộc sống mà chẳng phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền, lại có một chút dư mỗi năm để đi du lịch đó đây.
Nước Úc có rất nhiều lựa chọn cho những phong cách sống khác nhau.
Ngày đi làm 8 tiếng – mỗi tuần làm 5 ngày và được nghỉ 2 ngày. Với số tiền kiếm được, thì mỗi ngày đều có thể ăn ngoài nhà hàng, đi xem phim sau giờ làm, cuối tuần thì lại phóng xe đi xa chơi hoặc làm bữa BBQ thịt nướng ở nhà một người bạn nào đó. Một năm có được 4 tuần nghỉ có lương và là dịp để đi chơi xa tận hưởng.
Nước Úc có rất nhiều lựa chọn cho những phong cách sống khác nhau. Nếu bạn thuộc tuýp người năng động, thích phượt, thì nước Úc có vô vàn những danh lam thắng cảnh để khám phá – từ lặn biển ngắm một trong những di sản thế giới – rặng san hô Great Barrier Reefs ở tiểu bang Queensland, hay chạy dọc đường Great Ocean Road ngắm cảnh thiên nhiên hùng vỹ ở tiểu bang Victoria, đến thăm biểu tượng của thành phố Sydney – nhà hát con sò Opera House.
Đường Great Ocean Road ở tiểu bang Victoria
Một cảnh bắn pháo hoa mừng năm mới ở Úc
Nếu bạn thuộc tuýp người sống nội tâm, muốn tận hưởng những lúc rảnh rỗi một cách nhẹ nhàng, thì có thể cảm thấy thích thú với việc nằm ườn trên thảm cỏ xanh mát dịu êm, tắm nắng và thả hồn qua những trang sách trong những công viên cây xanh mát mắt ở khắp nơi trong thành phố, đặc biệt ở càng xa thành phố thì lại có càng nhiều công viên. Cảm giác thật thích thú mà khó gì có thể sánh bằng!
Một góc công viên Prince Alfred Park ở gần ga Central, Sydney
Còn nếu bạn là người yêu cuộc sống về đêm, thì các thành phố lớn của Úc cũng có đầy đủ những quán bar, clubs mở cửa đến sáng phục vụ cho nhu cầu vui chơi hết mình của giới trẻ.
Lý do thứ hai cho cuộc sống vô lo của tôi là nếu bị bệnh, thì đi bác sĩ được miễn phí vì đã có nhà nước lo, đồng thời một năm cũng có thêm 8 – 10 ngày nghỉ bệnh được công ty trả lương. Sau này khi có con thì được nhà nước không chỉ hỗ trợ $3000 – $5000 cho mỗi em bé chào đời, mà còn trong quá trình sinh ra và nuôi dạy các cháu qua các chính sách ưu đãi khác.
Điển hình là trường hợp của chị dâu của tôi khi sinh cháu đầu lòng do sanh khó phải mổ – chị đau đẻ hơn 24 tiếng đồng hồ, bác sĩ phải sử dụng tất cả các biện pháp giảm đau (bao gồm gây mê tủy sống khá đắt tiền), lại được nằm phòng riêng, được nuôi ăn và chăm sóc ở bệnh viện 5 ngày … tất cả hoàn toàn miễn phí – (Ở Việt Nam thì chắc tốn không dưới vài chục triệu). Vào ngày Chủ Nhật, khi dẫn con nhỏ đi chơi thì chỉ tốn $2.50 cho một người trong gia đình, đi gì cũng được (bao gồm phà, xe lửa hay xe buýt), bao lâu cũng được trong ngày.
Nói chung, cuộc sống ở Úc như là một giấc mơ đã thành hiện thực đối với tôi. Cuộc sống mà tôi có thể lựa chọn lối sống cho chính bản thân mình. Nếu muốn giàu sang, kiếm được nhiều tiền hơn và là ông chủ bà chủ, thì phải làm việc nhiều hơn gấp đôi gấp ba người bình thường. Còn nếu hạnh phúc với số tiền mình đi làm kiếm được, thì cứ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, chẳng nhức đầu và lo nghĩ nhưng vẫn đủ và có dư – ít hay nhiều tùy lối sống mỗi người.
Còn về con cái, nếu muốn, thì có thể nuôi dạy theo kiểu Tây – tức là nuôi đến tầm 15 tuổi là cắt cho tiền tiêu vặt và định hướng cho con bắt đầu đi làm, thông thường là ở McDonald hay KFC với mức lương tầm $8 – $10 AUD mỗi giờ để kiếm tiền tiêu. Đến khi 18 tuổi và bắt đầu học đại học, thì con có thể tự mượn tiền của chính phủ (không lãi suất) để trả tiền học phí, xong sau này khi đi làm thì được trừ lại dần dần từ lương, còn tiền tiêu xài trong thời gian đi học thì tự đi làm mà kiếm. Nếu nuôi dạy con theo kiểu này, thì làm cha mẹ khỏe thật chứ chẳng chơi, mà con lại học được tính tự lập từ thưở bé.
Tất nhiên, văn hóa tốt đẹp của người Việt mình từ ngàn xưa đến giờ là biết lo cho tương lai và thế hệ sau, nên phong cách nuôi dạy quá Tây này có vẻ không ổn lắm. Đối với bản thân mình, khi tôi có con, mặc dù tôi vẫn sẽ cho con tôi đi làm từ năm 15 tuổi để cháu kiếm tiền tiêu vặt, tôi sẽ lo cho cháu tiền học hết đại học như ông bà của cháu đã lo cho tôi. Tuy nhiên, cháu vẫn phải đi làm để trả tiền sinh hoạt phí hàng ngày vì chỉ có như vậy, cháu mới biết giá trị của đồng tiền và biết quý trọng nó. Một khi cháu hiểu được điều đó, cháu có thể sống tốt trong bất kì hoàn cảnh nào, có hoặc không có cha mẹ ở bên cạnh. Nếu cháu giỏi, thì cháu sẽ kiếm được nhiều tiền nhiều của, làm ông nọ bà kia và rạng danh với đời. Còn cháu không được giỏi lắm, thì với kinh nghiệm đi làm từ thưở 15, cháu có thể kiếm được một công việc tự nuôi sống bản thân mình và làm một công dân tốt trong xã hội. Với tôi, đó là điều quan trọng nhất và tốt nhất tôi có thể làm được cho con mình. Các bậc phụ huynh có đồng ý với suy nghĩ của tôi không?
Tôi trân trọng những gì tôi đang có sau hơn 10 năm ở nước Úc. Đó là thành quả của không chỉ riêng tôi, mà còn của cha mẹ, anh chị, bạn bè tôi, những người đã giúp tôi Định Hướng con đường đi đúng cho cuộc đời mình. Và tôi thành tâm hi vọng, Định Hướng đúng cũng sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời, như nó đã làm cho đời tôi.
Chúc các bạn thành công!
_________________________________________________________________________
Long Phan’s Blog – “Du học đâu chỉ có màu hồng”
Disclaimer:
Những bài viết trên blog đều dựa trên những kinh nghiệm đi du học thực tế tại Úc của cá nhân tác giả trước khi được định cư. Do luật di trú mỗi nước mỗi khác, nên quý bạn đọc muốn đi du học tại các nước khác Úc nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác để có định hướng du học đúng đắn nhất.
Các ý kiến phản hồi về bài viết xin gửi về:
Facebook: http://www.facebook.com/long.phan.au
Email: [email protected]
“The only limits to the possibilities in your life tomorrow are the buts you use today.”– Les Brown