Du Học và Bước Ngoặc
Phần 1 – Bước ngoặc Nhỏ và Lớn
Sau bữa cơm chiều đầu năm mới, bố tôi trầm ngâm một lát rồi nói “Đúng là trong sự cố gắng vươn lên của đời người luôn cần những bước ngoặt… bước ngoặt nhỏ đổi đời mình, bước ngoặt lớn thay đổi cả thế hệ mai sau…”
“Là sao hả bố?” – tôi hỏi.
“Nếu hơn 50 năm trước, ông nội không quyết định rời vùng quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn cát” Điện Bàn, Quảng Nam để một mình bươn chải vào Nam thì nhà mình sẽ chẳng có ngày hôm nay đâu con…”
…………………………………..
…Ngừng một chút, bố chậm rãi nói…
… “Sau khi ông nội vô được Gò Vấp (quận Gò Vấp – nơi tập trung nhiều người Trung nhập cư sinh sống ở Sài Gòn), ổng bắt đầu kéo hết gia đình, bà con, họ hàng ở quê vô. Rồi nhờ có cái nghề dệt hồi ở quê mà gia đình mới có việc làm để kiếm cái ăn và tồn tại được trong cái thời mà tô phở là thứ cực xa xỉ. Thèm lắm mà đâu có tiền để ăn…
“Lúc đó con biết phải làm sao mới được ông nội dẫn đi ăn phở không?… Đó là thay vì chủ nhật được nghỉ thì cả nhà cố dệt thêm buổi sáng rồi mới lấy cái phần tiền làm thêm đó để buổi chiều dẫn đi ăn phở. Ôi chu cha… lúc đó mà được đi ăn phở là sướng lắm con à…Đi mua một tô phở mang về chan nước với cơm nguội rồi húp ăn thấy sao mà nó ngon, chu cha, nó ngon cho đến tận bây giờ… cái ngon đó bố chẳng bao giờ quên được…”
“Nhưng rồi cũng chỉ có một thời thôi con… Năm 90, đất nước mở cửa, hàng Trung Quốc đổ vào… toàn ngành dệt Việt Nam điêu đứng vì cạnh tranh không nổi… nhiều hợp tác xã giải tán lắm con… nhà mình cũng vậy… Năm đó bố mẹ mới 40 tuổi cùng đàn con thơ ba đứa, tối không ngủ được lo lắng không biết làm cái gì để nuôi bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn bây giờ…”
“Lúc đó, bố mới nói với mẹ, hay là thôi mình chuyển qua làm ngành ăn uống. Ai cũng cần ăn để sống, và ít nhất là ngành ăn uống hiện không bị Trung Quốc cạnh tranh… Nghĩ là làm, bố mẹ mở đại một quán bán cơm Việt Nam, trong khi chẳng biết một chút gì về nghề ăn uống cả… rồi nghề dạy nghề… tự mày mò tự học… Cũng nhờ nghề này thì mới có tiền nuôi tụi bây ăn học chứ không thì không biết làm sao…”
“Vậy chuyển qua nghề ăn uống quả là một bước ngoặt lớn của nhà mình đúng không bố?” – tôi hỏi
“Cũng nhỏ thôi, bước ngoặt lớn là quyết định của ông nội một mình vô Nam lập nghiệp kìa… Hồi đó ở quê làm ruộng cực thầy chạy… còn thiên tai thì ăn rồi mỗi năm đều có… trong năm làm dành dụm được bao nhiêu, đến khi bão tới là xong – tay trắng vẫn hoàn trắng tay… Hồi đó ông nội mày không quyết định vô Nam thì bây giờ nhà mình vẫn còn làm ruộng ở quê thôi con… cho nên quyết định của ông nội di cư vào Nam là bước ngoặt lớn nhất đã đổi đời cả nhà mình đó…”
…………………………………….
Câu chuyện của bố làm tôi cứ suy nghĩ mãi. Và càng nghĩ thì tôi lại thấy những điều bố nói có lý, mà có lý nhất là về những bước ngoặt trong cuộc đời – bước ngoặt nhỏ đổi đời mình, bước ngoặt lớn thay đổi cả thế hệ mai sau… Và nếu đem cái lý này áp dụng cho cuộc hành trình đi du học thì cũng chẳng có sai đi đâu cả, nó hoàn toàn đúng với những gì tôi đã nghe, đã thấy trong suốt 12 năm bôn ba du học vừa qua.
Thế nhưng… nó đúng ở chỗ nào? Chẳng phải du học đều như nhau cả sao? Chẳng phải du học đều nghĩa là đi học ở một nơi xa, rất xa nhà hay ở nước ngoài hay sao? Nếu thế thì bước ngoặt nào chẳng giống nhau mà ở đó nhỏ hay lớn? bé hay to?…
À không, có khác chứ. Có người đi du học xong học thêm được nhiều kiến thức, kỹ năng mới thay đổi hoàn toàn bản thân. Có người đi du học được mở mang tầm mắt, thấy được thế giới bao la và rộng lớn biết bao nhiêu. Có người đi du học xong về kiếm được việc làm tốt và ổn định, kiếm được nhiều tiền, mua được nhà cao, xe đẹp. Như vậy phải chăng được đi du học là một bước ngoặt lớn của đời người?
…Rất tiếc là không phải!
Theo tôi, hành trình đi du học chỉ là một bước ngoặt nhỏ của đời người mà thôi… Du học có chăng sẽ giúp một người nào đó có thể thay đổi được cuộc đời của chính bản thân họ qua việc có thể kiếm được công việc tốt hơn, được trả lương cao hơn, mua được nhiều thứ hơn so với những bạn đồng trang lứa học tại Việt Nam nhưng đi du học không thôi thì chưa chắc sẽ thay đổi được hoàn toàn cuộc sống của thế hệ mai sau của họ…
…Vậy cái gì mới có thể được gọi là bước ngoặt lớn trong hành trình du học đây?
Theo tôi, đó chính là việc được cấp Thường Trú Nhân (Permanent Residency – PR) để người du học sinh đó có thể được ở lại học tập và làm việc vĩnh viễn tại đất nước người đó đang theo học. Không chỉ bây giờ mà còn trong một tương lai rất xa nữa, việc được cấp Thường Trú Nhân (và sau đó là quốc tịch) là một bước ngoặt rất lớn (và có thể được ví von như cá chép đã vượt được vũ môn để hoá rồng) của cuộc đời một người du học sinh đang theo học ở bất kỳ đất nước phát triển nào.
Tại sao có Thường Trú Nhân lại là một bước ngoặt lớn?
Có vài lý do chính:
(Trong bài này tôi xin phép được lấy ví dụ nước Australia, nơi tôi đang sống, để dễ dàng chia sẻ những thông tin chi tiết hơn).
1. Lý do thứ nhất, và cũng là quan trọng nhất, là sự ổn định cho tương lai. Khi các bạn có được thường trú nhân Úc (và sau đó là quốc tịch) cũng là lúc các bạn có được thêm một quyền lựa chọn rất quan trọng cho cuộc đời mình. Các bạn có thể chọn quay về Việt Nam công tác, hay có thể ở lại nước sở tại làm việc, hoặc có thể cả hai – về làm vài năm rồi lại qua, hay làm vài năm rồi lại về. Hoàn toàn tuỳ ở bạn. Cuộc đời bạn lúc đó sẽ luôn có thêm kế hoạch B, chứ không chỉ là A nữa (vì thật sự trong tình hình thế giới đang đổi thay hàng ngày như bây giờ, chỉ có kế hoạch A thì không còn đủ). Lúc đó, bạn sẽ có sự lựa chọn cho việc đi làm và sinh sống ở nơi nào có nhiều đất dụng võ nhất cho những ngành bạn yêu thích và hết lòng đam mê. Và nếu có lúc nào đó thời cuộc thay đổi, bạn sẽ luôn có một chốn an toàn khác để quay về…
2. Lý do thứ hai đó là có song tịch đang là xu hướng chung của thời đại. Và dù muốn dù không thì xu hướng này của người Việt sẽ vẫn còn tiếp tục cho đến hàng chục nếu không muốn nói đến hàng trăm năm nữa. Trong một thế giới đang thay đổi liên tục và có đầy biến động mỗi ngày như bây giờ thì việc có hai quốc tịch luôn là một sự lựa chọn khôn ngoan. Nó sẽ giúp cho người sở hữu song tịch luôn có được sự chủ động trong cuộc sống và có được sự lựa chọn nơi sống phù hợp nhất cho bản thân và gia đình. Với việc Việt Nam và các nước đang phát triển tiêu biểu như Australia, Anh, Pháp, Mỹ, Canada cho phép công dân mình có hai quốc tịch, thì việc có song tịch của hai trong số các nước bên trên là sự lựa chọn tối ưu cho bất cứ ai.
3. Lý do thứ ba là việc có Thường Trú Nhân sẽ đặt một cột mốc (milestone) rất vững chắc trong cuộc sống của bạn và giúp thế hệ mai sau của bạn sang một trang mới. Nếu bạn chưa chạm được đến cột mốc ấy trong thời điểm bây giờ, thì 20 năm sau, thế hệ kế tiếp của bạn có thể cũng sẽ phải một lần nữa đi lại trên cùng một con đường mà bạn đã đi, với hi vọng có thể biến giấc mơ còn dang dở ngày xưa của bạn thành sự thật… Và nếu thế hệ kế tiếp ấy một lần nữa chưa thành công, thì thế hệ sau nữa cũng sẽ phải tiếp tục làm như vậy cho đến khi làm được mới thôi. Vì thế, nếu thế hệ này của bạn lấy được Thường Trú, đó thật sự là một tiền đề vững chãi để thế hệ sau của bạn có thể vươn lên phấn đấu cho những điều cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn nữa, thay vì phải đi lại trên con đường ngày xưa mà bạn đã đi qua…
4. Lý do thứ tư, việc có Thường Trú Nhân ít nhất sẽ cho các bạn được sự An Toàn và Công Bằng trong bài viết rất hay “Quê Hương, đi hay về” của anh Ngọc Hiếu – một người Việt trẻ thành công tại Úc…
…Còn tiếp
_________________________________________________________________________
Long Phan’s Blog – “Du học đâu chỉ có màu hồng”
Disclaimer:
Những bài viết trên blog đều dựa trên những kinh nghiệm đi du học thực tế tại Úc của cá nhân tác giả trước khi được định cư. Do luật di trú mỗi nước mỗi khác, nên quý bạn đọc muốn đi du học tại các nước khác Úc nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác để có định hướng du học đúng đắn nhất.
Các ý kiến phản hồi về bài viết xin gửi về:
Facebook: http://www.facebook.com/long.phan.au
Email: info@longphan.com.au
“The only limits to the possibilities in your life tomorrow are the buts you use today.”– Les Brown