Du Học và Bước Ngoặc (phần 2)
Hi sinh đời bố (mẹ), củng cố đời con – có đáng hay không?
Sau khi đọc xong phần 1 của loạt bài Du Học và Bước Ngoặc của tôi, chắc chắn rằng sẽ có nhiều bạn đang là du học sinh tại Úc sẽ muốn chia sẻ rằng:
a) Cuộc đời ngắn ngủi lắm bạn à. Nên đi học và làm trong những ngành mình thích và cảm thấy phù hợp với bản thân mà thôi. Mình ở đâu cũng được, không quan trọng là ở Việt Nam hay ở Úc. Mình không muốn chạy theo xu hướng của thời đại, miễn sao gần gia đình và thấy hạnh phúc là được rồi.
b) Mình cũng đang có nhiều người bạn chạy theo học những ngành nằm trong SOL list (những ngành mà nước Úc đang thiếu nhân lực và nếu ai tốt nghiệp những ngành này thì có cơ hội được ở lại – kèm theo những điều kiện như tiếng anh, tuổi tác, kinh nghiệm làm việc v.v) nhưng vì danh sách ngành thay đổi hoài nên cứ sau mấy năm là các bạn ấy lại phải thay đổi ngành học khác. Cứ như thế mãi cho nên đến bây giờ, sau 5-6 năm ở Úc, vẫn còn lông bông và vẫn chưa cầm được tấm bằng tốt nghiệp.
c) Lấy Thường Trú Nhân Úc để làm cái gì? Sống cực muốn chết. Suốt ngày làm trâu làm bò lao động chân tay không. Có nhiều người có Thường Trú Úc mà cũng đâu tìm ra công việc tốt đâu, vẫn phải đi làm những việc không đúng với chuyên ngành đã học và được trả mức lương bèo nhèo kia kìa. Có Thường Trú để mà làm gì? Về Việt Nam không sướng hơn sao?
Và dưới đây sẽ là phần trả lời của tôi
a) Tôi đồng ý với bạn. Cuộc đời ngắn ngủi lắm. Hãy làm những điều mà làm bạn cảm thấy hạnh phúc nhất. Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống!
b) Bạn nói đúng. Lấy Thường Trú Nhân ở Úc ngày càng chông gai và khó khăn hơn xưa rất nhiều. Ngoài việc đủ khả năng thoả mãn những yêu cầu chính phủ Úc đòi hỏi, may mắn cũng đóng một yếu tố rất quan trọng nữa vì danh sách nghề thay đổi liên tục. Có nhiều khi mình sắp học xong một ngành đang nằm trong list rồi thì bất ngờ khi đến tháng 7 năm sau (khi năm tài chính mới bắt đầu ở Úc), ngành đó lại bị gạch ra khỏi list nước Úc cần hay điểm chuẩn để có thể nộp đơn bị đẩy lên cao chót vót bởi vì có quá nhiều người đã theo học – dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực toàn quốc… Đây là sự thật không thể chối cãi.
Nhưng bản thân tôi thiết nghĩ, tấm vé PR cũng giống như mọi thứ trên cuộc đời này, đều có một sự mạo hiểm nhất định. Phần thưởng và lợi ích càng to thì đòi hỏi sự mạo hiểm càng cao. Bởi vì đơn giản No Pain thì No Gain! Biết là sẽ rất cực khổ, rất khó khăn đó nhưng nếu vượt qua được, thì PR sẽ là một cột mốc sáng chói trong đời bạn.Những người bạn mà bạn nói lông bông và chưa đạt được thành tựu gì vì mải theo đuổi đi học những ngành nghề nước Úc cần đó, tôi thật sự tự hào về họ! Tôi tự hào bởi vì họ là những người có tầm nhìn xa, họ biết họ cần phải làm gì để có một cuộc sống tốt hơn và biết cái gì có thể tạo ra một bước ngoặt lớn cho đời họ và thế hệ mai sau của họ.
Tôi tự hào bởi vì họ không bỏ cuộc khi gặp khó, họ vẫn tiếp tục tìm mọi cách để trụ lại được nơi này dù sự may mắn chưa mỉm cười với họ, họ vẫn đang cố gắng hết sức vì ngày mai tươi đẹp hơn. Tôi tự hào về họ bởi vì cho dù là nếu họ chưa thành công cắm được cột mốc PR trong vòng vài năm nữa và phải quay về khi chưa có thành tựu, thì tôi tin là họ cũng sẽ ngẩng cao đầu và không hề nuối tiếc. Bởi vì khi họ đã cố gắng hết sức để làm một điều gì đó mà không được như ý muốn, thì đó chỉ có thể là chưa có duyên mà thôi. 20 năm nữa, tôi chắc rằng họ sẽ dám nhìn thẳng và nói với thể hệ sau của họ là “Con à, đi du học và được ở lại không phải đơn giản đâu con, bố mẹ đã cố gắng hết sức nhưng có lẽ chưa có duyên. Con cố gắng lên nhé!!!”
Lẽ đời, nếu bạn đã cố gắng hết sức để làm điều gì đó thì dù có thành công, thất bại, được, mất cũng là gì đâu. Ít nhất là bạn đã dám dấn thân vào làm, dám bươn chải và đã cố gắng hết sức để biến ước mơ đó thành hiện thực…
c) Bạn nói không hề sai. Có được Thường Trú Nhân không có nghĩa là cuộc đời của bạn sẽ sung sướng liền. Và nếu bạn còn là Thường Trú Nhân thế hệ thứ nhất ở Úc này nữa thì sẽ cực khổ lắm, không hề sướng, sẽ có rất nhiều chông gai thử thách bạn cần phải vượt qua đó…
Nhưng nếu ai cũng muốn sung sướng hết thì ai phải chịu khổ đây?
Nếu bạn muốn thế hệ thứ hai của bạn ở nước Úc này có sự khởi đầu tốt đẹp hơn chúng bạn đồng trang lứa ở nhà, nếu bạn muốn con bạn được giáo dục và học tập tại một trong những nền giáo dục tiên tiến của thế giới từ lúc mới lọt lòng, nếu bạn muốn con bạn được hưởng một trong những chế độ an sinh xã hội tốt nhất thế giới – được khám bệnh miễn phí, được hỗ trợ tiền nếu nhỡ có thất nghiệp hay chỉ đơn giản là được hít thở khí trời trong lành hơn, ăn uống những thực phẩm sạch hơn, an toàn hơn… thì phải có sự hi sinh chứ? Cũng giống như thế hệ trước của bạn đã hi sinh cho bạn thôi mà.
Ông bà mình hay nói “Hi sinh đời bố, củng cố đời con”… Đã có người đời trước hi sinh cho đời bạn rồi, bây giờ đến lượt bạn dọn đường cho thế hệ sau rồi đó…
Và tôi tin, đó cũng là suy nghĩ chung cuả những người đã có Thường Trú Nhân đang ngày ngày chăm chỉ làm những việc không đúng với ngành mình đã học, với một hi vọng và niềm tin sắt đá là đời con mình sau này sẽ sung sướng hơn và sẽ thành công hơn đời mình. Và theo tôi, đây là sự hi sinh vô cùng đúng đắn và sẽ gặt hái được nhiều trái ngọt trong tương lai không hề xa!!
Vì thế, hi sinh đời bố (mẹ), củng cố đời con – theo tôi, 100% là hoàn toàn đáng!
…Còn tiếp
_________________________________________________________________________
Long Phan’s Blog – “Du học đâu chỉ có màu hồng”
Disclaimer:
Những bài viết trên blog đều dựa trên những kinh nghiệm đi du học thực tế tại Úc của cá nhân tác giả trước khi được định cư. Do luật di trú mỗi nước mỗi khác, nên quý bạn đọc muốn đi du học tại các nước khác Úc nên tham khảo thêm các nguồn thông tin khác để có định hướng du học đúng đắn nhất.
Các ý kiến phản hồi về bài viết xin gửi về:
Facebook: http://www.facebook.com/long.phan.au
Email: [email protected]
“The only limits to the possibilities in your life tomorrow are the buts you use today.”– Les Brown